Vài câu hỏi hay về Võ học Việt Nam

1. Truyền thống võ học của nhân loại diển tiến ra sao?

Đáp: Truyền thống võ học của nhân loại được diễn tiến qua nhiều yếu tố như địa lý, nhân văn, tình trạng xã hội, tranh đấu sử, trình độ tiến hóa.

2. Có mấy thời kỳ lập võ? Hãy kể ra và giải thích đại cương.

Đáp: Có 4 thời kỳ lập võ:

a. Chiến đấu với cầm thú: vì bản năng sinh tồn khiến người và thú phải tranh đấu để giành lại sự thắng lợi.

b. Song đấu: võ thuật được coi là “lẽ phải” để quyết định sự mâu thuẫn của hai người.

c. Hỗn đấu: kỹ thuật chiến đấu giữa nhiều người với một người, hoặc một người áp đảo nhiều người.

d. Võ học thâm nhập vào binh pháp: áp dụng võ học vào quân đội để dựng nước và giữ nước.

3. Do đâu người tiền sử đã chế ra các loại võ như Hầu Quyền, Hổ Quyền, Mã Quyền, Điểu Quyền, Xà Quyền, Ngưu Quyền?

Đáp: Do kinh nghiệm thường xuyên phải chiến đấu với cầm thú để bảo vệ sinh tồn mà người tiền sử đã chế ra các loại võ như kể trên.

4. Loại Hầu Quyền, Hổ Quyền, Mã Quyền, Điểu Quyền, Xà Quyền, Ngưu Quyền có những đặc điểm gì?

Đáp: Đặc điểm như sau:

– Hầu Quyền: Lanh lẹ, chờn vờn, đu đưa, nhảy nhót.

– Hổ Quyền: Chụp xiết, dữ tợn, chớp nhoáng, sấm sét.

– Mã Quyền: Giả bại hoặc lùi rồi bất thần đánh ngược lại (cùi chỏ, giò lái, đà đao, hồi mã thương…).

– Điểu Quyền: Bất ngờ chụp từ trên cao xuống, giương đông kích tây, hư hư thực thực.

– Xà Quyền: là là mặt đất, uốn mình tránh nhanh, né gọn, vun vút tấn công.

– Ngưu Quyền: húc, xiết, khóa dũng mãnh, dùng sức toàn thân lao người vào đối phương (những thế vật).

5. Do đâuý thức dùng võ chống với cầm thú được chuyển sang ý thức lập võ chống với người?

Đáp: Do những mâu thuẫn nội tại trong xã hội thị tộc phát sinh như:cưới vợ, chia của, bầu tộc trưởng… mà ý thức dùng võ chống với cầm thú được chuyển sang ý thức lập võ để chống với người.

6. Đến lúc võ thuật thâm nhập vào binh pháp, song đấu còn ảnh hưởng ra sao?

Đáp: Đến khi võ thuật thâm nhập vào binh pháp, song đấu vẫn còn ảnh hưởng như là quyết định sự thắng bại của một trận lớn, hai vị tướng cầm đầu đánh nhau, tướng bên nào thua trận coi như bên ấy thua luôn, binh sĩ bên thắng ào sang chém giết và thu chiến lợi phẩm.

7. Do đâu phát sinh ra kỹ thuật hỗn đấu?

Đáp:Do tham vọng tranh chiếm càng ngày càng cao, do ý thức về quyền lợi thị tộc cần phải bảo vệ mỗi ngày một lớn mạnh, kỹ thuật hỗn chiến đã phát sinh.

8. Thời đại nào đã mở màn cho võ học thâm nhập vào binh pháp? Binh pháp gia đầu tiên của Việt Nam là ai?

Đáp: Tại Việt Nam thời đại đồ sắt, võ học mới thực sự thâm nhập vào binh pháp. Binh pháp gia đầu tiên của Việt Nam là danh tướng Lý Thường Kiệt (trước Lý Thường Kiệt, dân tộc Việt Nam qua nhiều lần thắng ngoại xâm, song đấu nhờ ở tinh thần dân tộc cao, chứ chưa áp dụng được sự biến ảo của binh pháp để thắng đối phương như Lý Thường Kiệt).

9. Truyền thống Việt Võ Học ra sao? có mấy phẩm tính?

Đáp: Nhờ địa thế, truyền thống võ học Việt Nam rất phong phú, tuy nhiên vẫn cứ giữ bản sắc của một dân tộc đất hẹp, dân ít, chỉ vì tinh thần thượng võ mà trường tồn. Do đó, truyền thống võ học Việt Nam gồm ba phẩm tính sau:

a. Hợp với thể tạng người yếu nhưng gan dạ và các điều kiện địa lý.

b.Cương Nhu Phối Triển.

c.Tổng hợp và hòa điệu các ý thức võ học.

10. Vì đâu Việt Võ Học đã tổng hợp và hòa điệu được mọi ý thức võ học trên thế giới? và đã tổng hợp theo chiều hướng nào?

Đáp: Vì địa thế được tiếp nhận thường xuyên với các ngành võ trên thế giới nên Việt Võ Học đã tổng hợp và hòa điệu được mọi ý thức võ học. Nhưng hòa điệu với chiều hướng thái dụng mọi tinh hoa và tân tiến hóa.

11. Võ thuật có lợi ích gì?

Đáp: Võ thuật làm cho thân thể cường tráng khoẻ mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng. Ngoài ra, võ thuật còn bảo vệ đời sống con người và là chất liệu để kiến tạo lịch sử.

12. Thời nay võ thuật còn hữu dụng nữa không?

Đáp: Với khoa học hiện nay, nhiều người đã nghĩ rằng võ thuật không còn hữu dụng nữa, song ta quên rằng có võ khí tối tân mà không có bàn tay lanh lẹ vững chắc và tinh thần bình tĩnh, dũng cảm điều khiển thì cũng không thể biến kẻ hèn nhát thành đấng anh hùng. Do đó, dù ở thời đại nào, võ thuật cũng vẫn còn hữu dụng.

13. Hãy kể những đồng điểm và dị điểm giữa tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản với Việt Nam và Trung Hoa?

Đáp: So sánh tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản với Việt Nam và Trung Hoa, ta thấy:

a. Về đồng điểm: Ái quốc, khí tiết, trọng danh dự, tín nghĩa, kỷ luật, coi nhẹ cái chết.

b. Về dị điểm: Võ sĩ đạo Nhật Bản thì “nhập thế” (tham chính) tự tôn, tự đại (vì giữ quyền hành) tôn thờ quốc gia qua một người, hy sinh cá nhân cho tập thể, khinh thường sự sống.

còn võ sĩ đạo Việt Nam và Trung Hoa thì “xuất thế” ẩn cư nơi non cao rừng thẩm, giang hồ hành hiệp, nay đây mai đó, biết hy sinh cho đại nghĩa dân tộc, chứ không vì một cá nhân, nhưng thiếu thực tế, tiêu cực trong hành động, rất quý sự sống.

14. Quan niệm của chúng ta về Võ sĩ Đạo ra sao?

Đáp: Quan niệm của chúng ta về Võ Sĩ Đạo ngày nay thật rộng lớn, có thể kể vài nét chính như sao:

a. Võ sĩ Đạo hôm nay trước hết phải là những con người thực tế, sống sát dân tình, hòa niềm đau thương hoặc vui sướng với toàn thể dân tộc,, những con người có hùng tâm đại chí, dám làm và đặt hết niềm tin vào công việc, biết nhìn xa trông rộng, biết hướng về đại cuộc mà không sơ sót kiện toàn từ việc nhỏ, biết nương thời đê xây dựng sự nghiệp trường cửu.

b. Về các tôn giáo, Võ Sĩ Đạo hôm nay nghĩ rằng tôn giáo nào cũng lợi ích cho đời sống tâm linh con người. Bởi vậy chúng ta tôn trọng và công nhận sự tốt lành của tôn giáo, nhưng xa lánh mê tín dị đoan. Chúng ta dung hợp mọi triết thuyết, mọi tôn giáo, thích ứng đời sống tư tưởng và đời sống hành động.

15. Cái giá trị chân thể của đời sống tinh thần hay vật chất ở đâu?

Đáp: Cái gía trị chân thể của đời sống tinh thần hay vật chất là ở nơi tu dưỡng (đối với tinh thần) và rèn luyện (đối với thể chất) làm tăng hiệu năng của chúng trong cuộc sống.

16. Môn phái Vovinam xây dựng mẫu người võ sĩ đạo trên bình diện nào?

Đáp: Môn phái Vovinam xây dựng mẫu người võ sĩ đạo trên hai phương diện:

a. Tinh thần cao cả nhưng thực tế.

b. Vật chất sung túc nhưng không tầm thường vị kỷ.

17. Đối với bản thân, người môn sinh phải có mấy phương châm tự luyện? Hãy giải thích đại cương về mỗi phương châm?

Đáp: Với bản thân, người môn sinh Vovinam có ba phương châm tự luyện, đó là:

a. Luyện thể: là rèn luyện thân thể bằng những phương pháp hô hấp, vận động và trau dồi kỹ thuật.

b. Luyện trí: là mở mangtrí tuệ bằng những phương pháp tự học, quan sát, nhận định, luôn tham quan các cuộc hội ý hội thảo.

c. Luyện khí: là rèn luyện thần khí để làm chủ lấy chính mình, để lúc nào cũng thanh thản, sáng suốt, ung dung tự tại.

18. Tại sao người môn sinh phải đối xử tận tình, tận tâm, tận nghĩa với đời? Thế nào là tận tình, tận tâm, tận nghĩa?

Đáp: Người môn sinh phải đối xử tận tình, tận tâm, tận nghĩa với đời sống là để cuộc sống có ý nghĩa hơn, yêu ta hơn, yêu người hơn và dễ dàng gặt hái thành công trong cuộc sống.

a. Tận tình: là đối xử với tất cả tình cảm đôn hậu mà mình có với mọi người.

b. Tận tâm: là đối xử hết lòng, lúc nào cũng chí thành, chí tín, và chí công trong hành động.

c. Tận nghĩa: là đối xử có nghĩa, thủy chung với mọi người trong tinhthần võ sĩ đạo.

19. Tại sao người môn sinh phải thường khiêm, thường dung, thường liên trong việc đối xử với mọi người trong cuộc sống?

Đáp: Người môn sinh Vovinam phải thường khiêm, thường dung, thường liên trong việc đối xử với mọi người là để cụ thể hóa lòng yêu thương của ta đối với người, để dễ dàng thông cảm, xây dựng tình thân ái với mọi người.

a. Thường khiêm: là lúc nào cũng khiêm nhường, để được cảm tình của mọi người.

b. Thường dung: là lúc nào cũng tiếp nhận, bao dung người (kể cả kẻ thù) luôn tự vấn lương tâm xem có rộng rãi, khoan dung, tha thứ người không.

c. Thường liên:là luôn luôn liên kết, hòa hợp với mọi người.

20. Muốn tổ chức và kiện toàn đời sống cho xứng đáng với danh dự người Việt Võ Sĩ, môn sinh Vovinam phải thực hiện những phương châm nào? Thế nào là lập thân, lập chí, lập nghiệp?

Đáp: Để tổ chức và kiện toàn đời sống cho xứng đáng với danh dự người Việt Võ Sĩ, môn sinh Vovinam phải thực hiện ba nguyện vọng, đó là lập thân, lập chí, lập nghiệp.

a. Lập thân: là gầy dựng cho mình một chổ đứng trong xã hội, trên hai phương diện:

– Tinh thần: luôn luôn học hỏi, phản tỉnh, có thiện chí sửa đổi những lổi lầm, u mê và bổ túc những tính tốt chân thành và tin tưởng.

– Vật chất: đời sống no đủ để khỏi nhờ vả, ỷ lại, dựa dẫm vào người ngõ hầu giữ được tinh thần vô tư, độc lập.

b. Lập chí: nuôi dưỡng một hoài bão cao xa và tiến không ngừng.

c. Lập nghiệp: xây dựng cho mình một cơ nghiệp để lại đời sau.

21. Khi nào chúng ta có được đức tính không kiêu hãnh khi thành công, không nản lòng khi thất bại?

Đáp:Khi chúng ta thiết tha theo đuổi một lý tưởng, có cao vọng thực hiện một sự nghiệp phi thường, chúng ta sẽ có đức tính không kiêu hãnh khi thành công, không nản lòng khi thất bại.

22. Sự nghiệp và danh phận khác nhau như hế nào? Nếu được lựa chọn chúng ta có thích danh phận hay sự nghiệp?

Đáp:

Danh phận: địa vị sẵn có, có thể thay đổi được, theo thời gian và môi trường sống (ai cũng có danh phận, không lớn thì nhỏ).

Sự nghiệp: là cứu cánh trong cuộc sống, khung cảnh lớn lao, ích lợi chung cho mọi người, có tính cách lâu dài.

Nếu như thế thì danh phận chỉ là nhịp cầu bước lên sự nghiệp, cho nên khi lựa chọn, chúng ta phải lấy sự nghiệp làm cứu cánh và đặt nó lên trên danh phận.

Related Posts
75 VĐV tranh tài tại Giải võ cổ truyền, vovinam TP Đà Nẵng

Tại Cung thể thao Tiên Sơn, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng vừa tổ chức khai mạc giải Read more

Logo Vovinam – Lý giải viền trắng hình chữ S

Logo của Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo trải qua nhiều năm tháng có những biến đổi tùy theo từng thời kỳ. Read more

Nhuyễn Tiên – Vua của binh khí và kẻ giết người đáng sợ

Được dùng trong các hình phạt thời xưa, nhuyễn tiên được xem như là một trong những loại vũ khí Read more

Võ cổ truyền Việt Nam – Lịch sử phát triển

Võ cổ truyền Việt Nam dùng để chỉ những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch Read more

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *