Bạch hạc sơn quyền mô phỏng các thế tấn pháp, bay lượn uyển chuyên của loài Hạc, bài quyền thể hiện được sự mềm mại trong tư thế hiên ngang…
Bạch hạc sơn quyền là bài quyền của môn phái Quyền thuật tự do thuộc Võ thuật cổ truyền Việt Nam do võ sư Đinh Văn Lớn đơn vị tỉnh Vĩnh Long thị phạm giới thiệu và được Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc bình chọn vào tháng 12 năm 2007 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Ḥòa.
BẠCH HẠC SƠN QUYỀN
Đầu tiên bái tổ, kính sư, Bạch hạc ra bộ, thôi sơn tấn liền,
Thăng thiên phượng dực xoay tròn,
Kim tiêu hồi bộ, song đao, xỉa tiền,
Thần cung xa tiễn, tấn tiên,
Cước ngang bộ phượng, bay lên móc liền,
Đăng sơn hữu tả xỉa nghiêng,
Bạt phong cước tới, song phi phượng hoàng,
Quét chân, hoành toạ đăng sơn,
Hồi thân phượng dực, xoay tròn thôi sơn,
Đăng sơn tả, hữu quy hình,
Thôi sơn tấn tiếp, cước ngang trảm xà,
Xoay người vươn bộ đăng sơn,
Cước ngang phi tới, xoay thân kính chào.
Hạc là loài bay lượn giỏi, tuy “mình hạc xương mai” nhưng khi đứng thì hiên ngang như cây tùng, cây bách. Hạc có vị trí trong các môn phái Võ cổ truyền Việt Nam, nhiều tên gọi từ căn bản đến chiêu thức, bài quyền, binh khí… mang hình bóng hạc như Hạc tấn, Hạc chủy, Hạc dực, Bạch hạc độc lập, Bạch hạc tầm giang, Bạch hạc thủ sào, Song hạc đới đầu, Dã hạc khai dực, Bạch hạc tản trảo, Dã hạc thủ động…
Bách khoa toàn thư viết: Theo truyền thống, bộ Hạc hay bộ Cò (danh pháp khoa học: Ciconiiformes) bao gồm nhiều loài chim lội, cao cẳng, kích thước lớn cùng với những cái mỏ lớn: cò vạc, diệc, diệc bạch, cò quăm, cò mỏ thìa…các hóa thạch của bộ Ciconiiformes được biết đến từ cuối thế Eocen. Hạc còn dùng để chỉ một số loài chim thuộc bộ Sếu (Gruiformes).
Bạch hạc quyền (Bai He quan) còn được gọi Thiếu Lâm Bạch Hạc quyền (Shaolin Bai He quan), tên phổ biến ở Trung Quốc là Phúc Kiến Vĩnh Xuân Bạch Hạc quyền (Fujian Yong Chun Bai He Ch’uan, chữ Hán: 福建 永春 白鶴拳, dịch nghĩa tiếng Anh là (Fujian Yong Chun White Crane Boxing) là một môn phái võ thuật thuộc dòng võ miền Nam Trung Hoa xuất xứ từ địa hạc Vĩnh Xuân (Yong Chun village) tại thành phố Phúc Thanh, thuộc thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, có căn bản phát tích từ chùa Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến.
Hạc có vị trí quan trọng trong võ thuật cổ truyền vì hạc là bỉểu tượng cho chân khí sung mãn và tuổi thọ. Hạc có tên trong Thiếu Lâm ngũ hình quyền: Long (rồng), Hổ (cọp), Xà (rắn) , Hạc (chim hạc), Báo (beo) và cũng có tên trong Tiên gia nội công Ngũ cầm hí là Hùng (gấu), Hạc (chim hạc), Hổ (cọp), Hầu (viên), Lộc (nai).
Yếu lĩnh luyện công Ngũ cầm hí là Tùng tĩnh tự nhiên, Ý Khí hợp nhất, Động tĩnh tương kiêm, Thượng hư hạ thực, Tuần tự tiệm tiến, Thần hình hợp nhất, Động tác viên hoạt, Miên man hàm xúc… Với Hạc hí thì “khinh thường an tĩnh, kỵ trọng trệ”, các thế tiêu biểu là Hạc bộ thế, Lượng dực thế, Độc lập thế, Lạc nhạn thế, Phi tường thế.
Theo các tài liệu tim hiểu về võ thuật thì người ta tin rằng hạc sống lâu nhờ thân thể tích lũy được một lượng tinh cực lớn. Tinh ở đây dùng để chỉ nguồn năng lực nguyên sinh hoặc sinh năng của loài động vật. Hạc vốn là con vật trầm tĩnh và có khả năng tập trung cao độ nên triển khai tinh một cách dễ dàng. Minh chứng ấy thể hiện ở động tác hạc có thể đứng bất động thời gian dài trên một chân rất kiên trì và tập trung. Do vậy luyện tập Hạc hình quyền hay Hạc hí thường diễn thế Bạch hạc độc lập.
Luyện Hạc hình quyền giúp người tập kiên thủ nội năng và tăng cường sức mạnh về nội lực lẫn ngoại lực. Tác dụng Hạc hình quyền là phát triển khí lực nội tại đồng thời làm cứng chắc xương và cơ bắp, hoàn thiện tốc độ, linh hoạt và thăng bằng khi xuất chiêu. Các động tác trong Hạc hình quyền đều mau lẹ, bền dẻo, sử dụng vùng thắt lưng mềm mại, uyển chuyển.
Theo https://www.vothuatcotruyen.com/2013/11/bach-hac-son-quyen.html