Hướng đến tưởng niệm 26 năm ngày Võ sư Trần Huy Phong về cõi Vĩnh hằng.
(Bài viết có đoạn chỉ ra sự nhầm lẫn từ bấy lâu)
Tình hình Vovinam Việt Võ Đạo những năm đầu sau 1975.
Gần mười năm ngừng hoạt động, các võ sư Vovinam – Việt Võ Đạo trong nước đã quên nhiều đòn thế, bài bản. Các kỳ tập huấn để ôn tập và thống nhất chuyên môn chưa có cơ hội thực hiện. Do đó bắt đầu có hiện tượng mạnh ai nấy làm.
Ngày 29-4-1994, Nhà nước Việt Nam ban hành quyết định thành lập Ủy Ban Điều Hành Lâm Thời Việt Võ Đạo, nhằm kiểm soát hoạt động của môn phái, đồng thời bổ nhiệm một cán bộ (không phải là người trong môn phái) làm Trưởng Ban và một số võ sư cán bộ nhà nước làm Ủy viên, riêng Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng được bố trí làm cố vấn chuyên môn, chứ không còn quyền lãnh đạo Môn phái nữa. Chính vì sự kiện này, nhiều phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo tại hải ngoại đã tuyên bố độc lập và sinh hoạt riêng rẽ.
Cũng vào năm 1994, một vài võ đường Vovinam-Việt Võ Đạo tại Sài Gòn, do VS Trần Huy Phong lãnh đạo, không nằm trong tổ chức Việt Võ Đạo do Ban Điều hành quản lý, đã bị đình chỉ hoạt động. Cũng từ đó, một chiến dịch âm thầm xuyên tạc về Võ sư Trần Huy Phong cũng được bắt đầu nhằm gây chia rẽ nội bộ môn phái.
Võ sư Trần Huy Phong sinh ngày 14 -11- 1938 (Mậu Dần) tại xã Hải trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cuối năm 1954, ông bắt đầu theo học Vovinam với Sáng Tổ Nguyễn Lộc tại võ đường Thủ Khoa Huân-Sài Gòn.
Các cột mốc đáng nhớ về quá trình hoạt động Vovinam của ông như sau:
-1960-1964: Sau khi cuộc đảo chính bất thành có sự tham gia của một nhóm võ sư của võ phái khác vào ngày 01/11/1960, thì các môn phái võ tại VN bị chính quyền Ngô Đình Diệm cấm hoạt động. Võ sư Trưởng Lê Sáng rời Sài Gòn lên Quảng Đức và Ban Mê Thuột làm đồn điền, Võ sư Trần Huy Phong ở lại Sài Gòn tạm thời lãnh đạo môn phái và cùng với vài võ sư khác âm thầm hướng dẫn một số lớp tập luyện tại các trường Hồ Vũ, Thăng Long, Saint Thomas, Ánh Sáng, Trí Đức và một số trường Trung học mà ông giảng dạy.
Trong thời kỳ đen tối này, VS Trần Huy Phong vần âm thầm đào tạo võ sinh và đặt nền tảng cho Vovinam bùng lên mạnh mẽ sau này. Đây cũng là giai đoạn Võ sư Trần Huy Phong thiết lập một gạch nối cho Vovinam liền mạch, không bị đứt gãy, đồng thời xây dựng thành công một đội ngũ võ sư-huấn luyện viên nòng cốt làm nền tảng cho sự nghiệp phát triển về sau.
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ vào cuối năm 1963 thì các hoạt động võ thuật được phép phục hồi.
- 1964-1967: Ông Phụ tá Chưởng môn, Trưởng ban huấn luyện kiêm trưởng ban nghiên kế.
- 1967-1973: Tổng đoàn Trưởng Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo.
- 1973-1975: Tổng cục Trưởng tổng cục huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo, Chủ tịch văn phòng phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo quốc tế.
- 1986-1990 chấp chưởng chức vụ Chưởng môn ĐỜI THỨ HAI.
👉Cần phải nói rõ điều này: Từ lâu chúng ta đã nhầm lẫn về cách gọi đời Chưởng môn!
Võ sư Nguyễn Lộc là người sáng lập, nếu gọi chính xác là TỔ (Tổ nghề, Tổ nghiệp = tức người đầu tiên lập ra hình thức hay nghề nghiệp này).
Đến năm 1964 thì Hội đồng Võ sư Môn phái mới tiến hành đại hội thiết lập chức vụ Chưởng môn và bầu Võ sư Trưởng Lê Sáng vào vị trí này. Điều này cho thấy; thời kỳ Võ sư Nguyễn Lộc tại thế và hoạt động thì chưa có chức danh Chưởng môn, vì vậy không thể tính Võ sư Nguyễn Lộc là Chưởng môn đời thứ nhất.
👉Nên nhớ danh xưng Chưởng môn không đồng nghĩa với danh xưng TỔ. Chưởng môn là người cầm nắm một môn nào đó (Chưởng = bàn tay, Môn = loại hình). Vì vậy không thể đánh đồng giữa người đầu tiên khai lập (Tổ khai sáng) mà chỉ là người được tập thể bầu/phân công hay giao nhiệm vụ nắm giữ.
Đến năm 1996: VS Trần Huy Phong là sáng lập viên Hội đồng võ sư và Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới.
(1964-1975) là giai đoạn Vovinam phát triển mạnh mẽ nhất.
Đây là thời kỳ Vovinam-Việt Võ Đạo phát triển không ngừng tại quốc nội.
Từ năm 1964, VS Trần Huy Phong cùng với Chưởng môn Lê Sáng và các võ sư đặt nền tảng vững chắc cho môn phái:
- Thành lập Tổng hội Vovinam-Việt Võ Đạo, thiết lập qui luật căn bản (danh xưng, võ phục, đẳng cấp, phù hiệu…)
- Về võ thuật: Hệ thống hóa chương trình huấn luyện võ thuật, triển khai các thế võ…
- Về võ lý, triển khai luật cương nhu phối triển trong các thế võ.
- Về lý thuyết võ đạo, VS Trần Huy Phong soạn cuốn Cách Mạng Tâm Thân Đặt nền tảng lý thuyết và triết lý cho Việt Võ Đạo.
Căn cứ vào các ý niệm tiên khởi về Cách Mạng Tâm Thân do Võ Sư Sáng Tổ giảng dạy, Võ sư trần Huy Phong đã hệ thống hóa lý thuyết võ đạo và đưa vào chương trình huấn luyện chính thức của Môn Phái.
Trong phần vụ này, ít ai biết rằng chính ông là tác giả chính yếu của tôn chỉ gồm 5 điều và soạn thảo 10 điều tâm niệm, lý thuyết cương nhu phối triển, lý thuyết cách mạng tâm thân, đổi Vovinam thành Vovinam-Việt Võ Đạo để người Môn sinh phấn đấu rèn luyện bản thân cả 3 phương diện: Tâm, Trí, Thể, nhằm phục vụ cho dân tộc và nhân loại. Nhiều sách, đặc san của môn phái do Ban nghiên cứu Việt võ đạo biên soạn đã được xuất bản trong giai đoạn này như: Việt võ đạo nhập môn, Việt võ đạo cương yếu, Tinh hoa Việt võ đạo… Vào những năm cuối đời, ông đã triển khai quan niệm “Cách mạng tâm thân” của Sáng Tổ trong cuốn “Cách mạng tâm thân, Đại Học Dân Lập Hùng Vương xuất bản, 1996, 91 trang” do ông là tác giả.
Song song với những cải cách trên, ông cùng với VS Phùng Mạnh Chữ (tự là Mạnh Hoàng), khởi xướng phong tào võ thuật học đường tại các trường Chu văn An, Trưng Vương, Cao Thắng, Gia Long, Petrus Ký và đặc biệt võ đường Đại học xá Minh Mạng do VS Lê Công Danh và Nguyễn Gia Đức phụ trách để làm bàn đạp huấn luyện võ tại các Đại Học.
Đồng thời các lớp dạy võ liên tục mở ra tại các cơ quan chính quyền, xuất hiện ở hầu hết các tỉnh phía Nam, đồng thời theo chân các du học sinh như: Trần Nguyên Đạo, Nguyễn Thị Huệ, Trần Đại Chiêu, Dương Quan Việt, Hà Chí Thành…để xuất hiện ở Pháp, Ý, Đức, Thụy Sĩ… vào đầu thập niên 70.
Trước những thành quả này của VS Trần Huy Phong, Chưởng môn Lê sáng viết lời nhận xét như sau: “Thầy Trần Huy Phong là người có công lớn thứ hai sau Chưởng môn trong quá trình khôi phục và phát triển Vovinam từ đầu thập niên 60 đến nay”. Có thể nói, nhờ ông và Chưởng môn Lê Sáng, môn phái đã trưởng thành về nhiều mặt.
Hoạt động xã hội, văn hóa
Năm 1968, VS Trần Huy Phong thành lập Tổng đoàn thanh niên Việt Võ Đạo nhằm huấn luyện môn sinh làm công tác xã hội, từ thiện, văn hóa…
Về xã hội.
Ông thành lập Trung tâm giáo dục cộng đồng tổ chức lớp dạy học cho học sinh nghèo, khó khăn.
Năm 1961 ông tổ chức đại hội võ thuật trong 3 ngày quyên tiền giúp nạn nhân lụt miền Tây.
Đầu năm 1968, ngay khi biến cố Tết Mậu Thân đang diễn ra, môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo đã tổ chức cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc, tổ chức các trung tâm tiếp cư tại các trường học tại Sài Gòn như: trường Phạm Đình Hổ, Minh Phụng, Khải Tú, Hồng Bàng, Bình Tây…
Năm 1970, VS Trần Huy Phong thành lập làng Cộng Đồng Việt Võ Đạo tại xã Tân Tạo, quận Bình Chánh, tỉnh Gia Định với diện tích trên 3 cây số vuông, bán trả góp giá rẻ cho môn sinh và thân hữu, đồng thời thành lập Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Việt Võ Đạo để khai thác nông sản phẩm của khu cộng đồng này.
Về văn hóa
Cuối năm 1970, môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo đã cùng nhiều đoàn thể văn hóa, xã hội, chính trị và các tổ chức tôn giáo lớn cùng các thân hào nhân sĩ tại miền Nam thành lập Ủy Ban Vận Động Dựng Đền Thờ Quốc Tổ Hùng Vương, mà bàn thờ và trụ sở đặt tại võ đường Hoa Lư. Hằng năm, vào dịp tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ, từ Tổng Thống, các nhà lập pháp ở Quốc Hội đến các cơ quan chánh quyền các cấp, các đoàn thể và nhân dân mọi nơi đều về võ đường Hoa Lư để dâng hương, lễ bái trong nhiều ngày liên tiếp.
Trên tinh thần góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục dân tộc, tháng 11 năm 1993, ông đã cùng các trí thức và giáo sư đại học vận động thành lập Viện Đại Học Dân Lập Hùng Vương. Võ sư Trần Huy Phong là giảng sư và cũng là Giám Đốc phân khoa Giáo Dục Tâm Thể của viện đại học này.
Phát triển quốc tế
Năm 1973, với vai trò chủ tịch Văn phòng phát triển quốc tế, Ông đặt viên đá đầu tiên phát triển Vovinam Việt Võ Đạo tại hải ngoại qua việc tổ chức các khóa đặc huấn, ông gởi VS Trần Nguyên Đạo sang Pháp lãnh trách nhiệm tổ chức, công nhận Liên đoàn Việt Võ Đao-Pháp của GS Phan Hoàng.
Năm 1994, Ông lâm trọng bệnh, qua Pháp chữa trị và Ông hoàn tất tác phẩm Cách mạng tâm thân.
Năm 1996, trước tình trạng thiếu sự lãnh đạo đồng nhất tại hải ngoại, VS Trần Huy Phong sang Pháp và khuyến khích VS Trần Nguyên Đạo tổ chức một Đại Hội Võ Sư Quốc Tế lần thứ hai vào các ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1996 tại Paris, Pháp Quốc. Đại Hội đã biểu quyết thành lập Hội đồng võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới và Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới. Đồng thời, Đại hội đã bầu VS Ngô Hữu Liễn làm Chủ Tịch Ban Chấp Hành Tổng Liên Đoàn và VS Nguyễn Văn Cường làm Tổng Thư Ký Hội Đồng Võ Sư Lãnh Đạo Môn Phái.
Vì tinh tú trong bầu trời võ thuật Việt Nam vụt tắt.
Năm 1997 Võ sư Trần Huy Phong qua đời vào lúc 19 giờ 35 phút ngày 13 tháng 12 (nhằm ngày 14 tháng 11 năm Đinh Sửu) tại nhà riêng ở Thanh Đa, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh và được hỏa thiêu vào sáng ngày 18 tháng 12 năm 1997 tại Bình Hưng Hòa. Ngày 26-4-2001, nhân Lễ Giỗ Tổ lần thứ 40, lễ An vị di ảnh cố VS Trần Huy Phong được tổ chức long trọng tại Tổ Ðường, dưới sự chủ tọa của VSCM Lê Sáng cùng với sự hiện diện của bà quả phụ Trần Huy Phong và các VS của Võ Ðạo Quán Cây Tre.
Ông đã dành gần trọn cuộc đời đóng góp cho sự nghiệp duy trì và phát triển Vovinam – Việt Võ Đạo. Ông mất đi, để lại một sự đóng góp to tát với môn phái và một dấu ấn đậm nét cho phong trào thanh niên và văn hóa dân tộc cuối thế kỷ 20.
Nếu VS Chưởng môn Lê Sáng được ví như “Ngọn Hải đăng” thì VS Trần Huy Phong chính là “Kỹ sư Trưởng” đã góp phần rất lớn trong công cuộc thiết kế con tàu Vovinam Việt Võ Đạo trong giai đoạn đầu của Môn phái, sau khi tiếp nhận “bản vẽ” từ vị Thiên tài Nguyễn Lộc.
Theo Võ sư Châu Minh Hay.