Tỉnh Bình Định đã thành lập Ban xây dựng bộ hồ sơ quốc gia “Võ cổ truyền Bình Định” để trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 25-12, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết ông Lâm Hải Giang – phó chủ tịch UBND tỉnh – vừa ký quyết định thành lập Ban xây dựng bộ hồ sơ quốc gia “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình Tổ chức Khoa học – Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo quyết định nêu trên, ông Bùi Trung Hiếu – phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, đại võ sư võ cổ truyền – được cử là trưởng Ban xây dựng hồ sơ. Hai phó trưởng ban là ông Nông Quốc Thành – phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa và ông Hoàng Cầm – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch). Ngoài ra, ban này còn có sáu ủy viên.
Ban xây dựng hồ sơ có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo xây dựng bộ hồ sơ quốc gia “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại triển khai việc xây dựng bộ hồ sơ bảo đảm tính khoa học, tuân thủ hướng dẫn thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng các yêu cầu của bộ hồ sơ đệ trình UNESCO và tuân thủ các quy định của Luật di sản văn hóa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 25-12, ông Bùi Trung Hiếu cho hay Bình Định có ba Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là võ cổ truyền, tuồng và bài chòi. Nghệ thuật bài chòi (của Bình Định và bảy tỉnh Trung Bộ) đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2017.
Vừa qua, võ cổ truyền Bình Định được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đánh giá rất cao về giá trị và độ lan tỏa, nên đã trình Chính phủ để chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Chính phủ giao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh Bình Định xây dựng bộ hồ sơ quốc gia về võ cổ truyền Bình Định. Việc xây dựng bộ hồ sơ này đang được thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục theo quy định” – ông Hiếu cho hay.
Được biết, vào tháng 6-2022, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề cương kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với mốc thời gian thực hiện từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023.
Vào tháng 9-2022, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng bộ hồ sơ này do ông Lâm Hải Giang làm trưởng ban.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, đến nay tỉnh này là địa phương duy nhất có Trung tâm Võ cổ truyền (thành lập năm 2013). Toàn tỉnh hiện có 2 đại võ sư quốc tế, 50 đại võ sư, 21 võ sư cao cấp, 101 võ sư… Có 185 võ đường võ cổ truyền đang hoạt động với số võ sinh hơn 12.000 người.
Theo Tuổi Trẻ Online.