Võ Bình Định được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Võ Bình Định là tên gọi môn võ có xuất xứ từ Bình Định, mệnh danh Miền đất võ, đồng thời cũng là quê hương người anh hùng áo vải cờ đào, Nguyễn Huệ. Môn võ có quá trình hình thành, phát triển gắn liền với các danh nhân, danh tướng, anh hùng, anh thư, liệt nữ Việt Nam và lịch sử chống giặc ngoại xâm, điển hình là Chiến thắng Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

Vào ngày 1/8/2014, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra buổi Lễ khai mạc Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã trao Bằng công nhận Võ cổ truyền Bình Định là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định, trước sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Chính quyền điạ phương, các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế cùng hằng ngàn người dân Bình Định và nhiều tỉnh, thành, ngành trong cả nước.

Biểu diễn võ thuật tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)

Võ Bình Định là một trong những dòng Võ cổ truyền chính thống của Việt Nam, nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vượt biên giới ra khắp năm châu. Võ Bình Định có nhiều hệ phái khác nhau trong cùng một Miền đất võ như Võ Bình Định, Bình Định chân truyền, Võ trận Bình Định, Sa Long Cương Bình Định, Bình Định An Thái (Bình Thái Đạo), Tây Sơn Bình Định. Các tỉnh trong nước có Bình Định Gia (Hà Nội), Bình Định Võ Đạo (Bến Tre), Tây Sơn Bình Định (Bình Lâm Đạo Lâm Đồng) ngoài ra còn nhiều dòng họ, lò võ mang tên Bình Định như dòng võ họ Trương ở thôn Phú Thiện, xã Phú Hoà, huyện Phù Mỹ, dòng võ họ Đinh ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, dòng võ họ Trần ở thôn Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn cùng với danh xưng Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái, Quyền An Vinh…

Tại hải ngoại, Võ cổ truyền Bình Định phát triển rộng, được nhiều người trên thế giới tham gia tập luyện và chính quyền quốc gia sở tại đón nhận vinh danh. Nhiều người nước ngoài là đại diện chính thức cho môn phái Võ cổ truyền Việt Nam. Sa Long Cương Bình Định ở Pháp và Ý (Master Biondo Ruggero), ở Vương Quốc Anh có Bình Định An Thái (Bình Thái Đạo), ở Gia Nã Đại (Canada) có Tây Sơn Bình Định và Sa Long Cương Bình Định, ở Hoa Kỳ có Tây Sơn Bình Định – Bích Quang Môn (Grandmaster Lê Đẩu), Trường huấn luyện Võ thuật Bình Định (Binh Dinh Martial Arts Academy) của Grandmaster Tấn Nhật Bích (Đào Văn Bích), hoạt động tích cực và hiệu quả trong cộng đồng, phổ biến nét văn hoá, truyền thống lịch sử Việt Nam thông qua huấn luyện võ thuật cổ truyền, được chính quyền Tiểu bang Massachusetts Hoa Kỳ tặng bằng công nhận thành tích phục vụ cộng đồng.
Theo tài liệu ghi lại, vào năm 1972, các võ sư, huấn luyện viên tâm huyết đương thời đã thành lập Hội võ thuật Bình Định, trước đó là Phân cuộc Quyền thuật Bình Định cũng như Tổng cuộc Quyền thuật Quân khu I sau là Tổng cuộc Quyền thuật Miền Trung, trực thuộc Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam (Saigon).

Sau Đại hội thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam (1991), Võ cổ truyền Bình Định cùng những dòng võ khác trong nước cùng chung tay xây dựng hệ thống những bài võ chung của Liên đoàn, gọi là bài quy định. Bài Thái Sơn côn (Roi Thái Sơn hay Thái Sơn thảo pháp) được bình chọn tại Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất từ ngày 25/4 đến ngày 2/5/1993 tại Công viên Văn hoá Đầm Sen, thành phố Hồ Chí Minh.
Sách viết về Võ Bình Định ở giai đoạn sau, tiêu biểu có Miền Đất Võ, Tuyển tập Miền Đất Võ, bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng Võ cổ truyền Bình Định, Võ nhân Bình Định. Gần đây, nhân chào mừng Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Võ thuật Bình Định cho ra mắt hai tập sách: “Võ Bình Định” tập I, tuyển tập các bài quyền tay không và binh khí gồm 17 bài, và tập sách “Một số bài thiệu Võ cổ truyền Bình Định”, nội dung 144 bài thiệu, chia làm 4 phần. Phần I gồm 40 bài thiệu về quyền, phần II gồm 23 bài thiệu về roi (côn), phần III gồm 17 bài thiệu về kiếm, phần IV gồm 64 bài thiệu về thương, đại đao, phủ, lăn khiên.

Nét thể hiện những bài Võ Bình Định trong tài liệu đĩa hình (DVD) do một số lão võ sư, võ sư của các võ đường ở Bình Định biểu diễn rất thành công, nét võ đúng chất Bình Định, từ bông quyền đến chân ngựa, kỹ thuật đòn tay liên hoàn đến các thế đá kín đáo, hiểm hóc, di chuyển ngựa tránh phản khôn ngoan kiểu Võ Ta, từ tốn mà không chậm, khoan thai nhưng uy dũng, rõ nét mà không trơ. Đường quyền, thế roi, thế kiếm thực chiến ẩn chứa sâu những tinh hoa võ thuật giao đấu như các bài Ngọc Trản quyền, Bạch điêu thảo pháp, Quyền Tứ hải, Thảo trực chỉ, Lôi phong tuỳ hình kiếm, Song phượng kiếm, Độc phủ, Chấn thiên cung…
Vào khoảng những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước, khi Chính phủ quân đội đồng minh Đạị Hàn (Nam Triều Tiên) đề nghị viện trợ quân sự vô điều kiện cho Việt Nam Cộng Hoà môn võ tay không Taekwondo, thời đó gọi là Thái cực đạo, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm (1901 – 1963) thời Đệ nhất Cộng Hoà đã hỏi các sĩ quan tuỳ viên, cận vệ: Nước ta có võ không? Các sĩ quan trả lời: Thưa Tổng thống nước ta có võ, dân ta có võ đó là Võ Ta, Võ Bình Định. Tổng thống Ngô Đình Diệm lại hỏi: Có đánh được với võ của họ không? Các sĩ quan khẳng định: Thưa Tổng thống đánh được. Tổng thống Ngô Đình Diệm tỏ ý không muốn nhận viện trợ quân sự bằng môn võ Taekwondo của Đại Hàn.

Sau đó, trong Võ đường của các Trường Võ bị, Trường Vũ thuật quân sự, Trung tâm huấn luyện, các quân nhân Việt Nam Công Hoà có tập luyện Võ Ta, Võ Bình Định (khoảng thời gian đó chưa có tên gọi Võ cổ truyền Việt Nam) đều thi đấu thành công trong các cuộc tranh tài võ thuật trước các môn võ khác, nhất là tự vệ cận chiến hiệu quả. Khi tiếp cận tập luyện các môn võ nước bạn, người Việt Nam đều vận dụng khôn ngoan kỹ chiến thuật Võ Ta, Võ Bình Định song đấu tự do luôn giành ưu thế trong nước cũng như quốc tế. Như vậy cho thấy từ trước đến nay Võ Ta, Võ Bình Định Việt Nam luôn là nền tảng huấn luyện cho binh sĩ như Vua Quang Trung đã từng ứng dụng dạy cho Nghĩa quân Tây Sơn xung trận góp phần làm nên lịch sử.

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam 23 năm qua đã xây dựng một hệ thống quyền pháp, binh khí quy định, biên soạn sách, tài liệu, Luật thi đấu và đào tạo huấn luyện viên, võ sư, trọng tài, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, tập luyện, thi đấu các giải khu vực, quốc gia và quốc tế. Võ cổ truyền Bình Định luôn có mặt và giữ thứ hạng cao trước các tỉnh, thành, ngành trong cả nước.

Nguồn: http://vocotruyenvietnam.vn

Related Posts
75 VĐV tranh tài tại Giải võ cổ truyền, vovinam TP Đà Nẵng

Tại Cung thể thao Tiên Sơn, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng vừa tổ chức khai mạc giải Read more

Biểu diễn: Ngọc Trản Quyền(Ngọc Trản Ngân Đài) – Võ Cổ Truyền

Ngọc trản ngân đài (chén ngọc trên đài bạc) hay Ngọc trản quyền, là bài quyền được Hội nghị chuyên Read more

Danh sách 10 bài quyền Quốc gia của Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam

Võ cổ truyền là tên gọi đại diên cho nền Võ thuật Việt Nam bao gồm hàng trăm Môn phái Read more

Biểu diễn: Tứ Linh Đao – Võ Cổ Truyền #1

Tứ Linh Đao là bài đơn đao, được Võ sư Kim Kê giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn toàn Read more

Trả lời