– Tên gọi : Lão Hổ Thượng Sơn.
– Nguồn gốc : Lam Sơn Võ Đạo TP. HCM.
Lam Sơn Võ Đạo do cố Lão võ sư Quách Văn Kế (1897 – 1976) sáng lập. Võ sư Quách Văn Kế thọ giáo các Võ sư Ba Cát, Bảy Mùa và Hàn Bái từ năm 1918 đến 1929. Võ sư Quách Văn Kế nguyên là Chủ tịch Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam tại Sài Gòn giai đoạn 1958 – 1970.
Người giới thiệu và thị phạm bài Lão Hổ Thượng Sơn ghi băng hình lần thứ I tại TP.HCM là Võ sư Nguyễn Phước Toàn. Lam Sơn Võ Đạo. Đơn vị TP. HCM.
Người thị phạm bài Lão Hổ Thượng Sơn ghi băng hình lần thứ II năm 2001 tại Khánh Hòa là Võ sư Nguyễn Phước Toàn. Lam Sơn Võ Đạo. Đơn vị TP. HCM.
Người thị phạm bài Lão Hổ Thượng Sơn ghi đĩa hình lần thứ III năm 2007 tại Hà Tây là Võ sư Nguyễn Công Tâm. Đơn vị TP. HCM.
Bài Lão Hổ Thượng Sơn được bình chọn trong Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc lần thứ I năm 1993 tại TP. HCM.
Một nguồn gốc khác nói rằng bài Lão Hổ Thượng Sơn là bài quyền trấn môn của Võ phái Nam Tông do cố Lão võ sư Lê Văn Kiển (Tám Kiển) sáng lập. Lúc sinh thời Võ sư Tám Kiển cho biết võ công mà ông thụ đắc có nguồn gốc từ Võ phái Bạch Hạc bên Trung Hoa. Theo Võ sư Lê Văn Phước, con trai của Thầy Tám Kiển, giải thích: “Có sự ngộ nhận cho rằng Lão Hổ có nghĩa là cọp già. Thật ra phải thấy được hình tượng ẩn giấu đằng sau ngôn từ đó mới hiểu được đúng nghĩa của người xưa. Lão Hổ ý là cọp đã đạt tới mức tinh thông lão luyện, vượt qua ngọn núi thử thách, là hành trình mà bất cứ bậc cao thủ nào cũng phải đi qua.”
(Thành Ngọc – Bài Lão hổ thượng sơn
Báo Tuổi trẻ chủ nhật ngày 4/7/2004)
Lời thiệu : LÃO HỔ THƯỢNG SƠN
Chấp thủ khai mã.
Song thủ phá cước.
Đồng tử dâng quả.
Lưỡng thủ khai môn.
Đơn toạ phục hổ.
Hữu thủ yểm tâm.
Hồi đầu thối toạ.
Tả thủ yểm tâm.
Nhất cước phá đao.
Nhất quyền đả khứ.
Lão hổ vồ mồi.
Trửu phong đả bồi.
Song đao phạt mộc.
Song phi cước khứ.
Long quyền đả khứ.
Tả hữu đả diện.
Cuồng phong tróc nã.
Tả thủ phá cước.
Hoành thân phục hổ.
Hữu thủ yểm tâm.
Ngũ phong đả diện.
Hữu cước tảo địa.
Đơn toạ phục hổ.
Tả thủ yểm tâm.
Ngũ phong đả diện.
Tả cước tảo địa.
Đơn toạ phục hổ.
Hữu thủ yểm tâm.
Lưỡng thủ vạn năng.
Đơn toạ phục hổ.
Tả thủ yểm tâm.
Long quyền đoạt nhãn.
Lưỡng thủ tả cước.
Hoành thân thối toạ.
Hữu thủ yểm tâm.
Long quyền đoạt nhãn.
Lưỡng thủ hữu cước.
Tướng quân bạt kiếm.
Bái tổ thâu mã.
(Hết)
Dịch lời thiệu:
Bài quyền Lão Hổ Thượng Sơn.
Đầu đề bạch hổ vươn mình khởi công.
Chắp tay mở ngựa mới xong.
Đôi tay phá cước tiểu đồng quả dâng.
Đôi tay mở cửa cho cân.
Đại bàng mở cánh bộ lâng lâng hành.
Ngồi chờ hổ tay phải canh.
Xoay người thối toạ mà canh hổ về.
Tay phải che tâm càng ghê.
Lui người ngồi xuống chân thì phá đao.
Ngụa lui về đánh hổ nhào.
Một quyền đánh thẳng thế nào cũng xong.
Hổ vờn sắp chụp mồi ăn.
Đôi quyền ta dụng ngũ phong đánh bồi.
Song đao chặt gỗ tiếp thôi.
Hoành thân toạ thủ mà bồi song phi.
Long quyền một quả đấm đi.
Hai bên trái phải cũng thì tiếp theo.
Đánh cho gió cuốn cây reo.
Lui về bên phải ngồi theo trận đồ.
Dùng đòn phá cước tiếp cho.
Đôi bên trái phải bây giờ mới xong.
Xoay mình như cọp chạy rong.
Bàn tay bên phải che trong tim nầy.
Ngũ phong năm hướng đánh ngay.
Lui ngồi bên trái mới hay được nhàn.
Một mình phục hổ mới sang.
Tay trái vội vàng đưa vào che tâm.
Năm phương đánh tiếp mới êm.
Xoay người đoạt ngọc quét thêm chớ chầy.
Một mình ngồi phục mới hay.
Bàn tay phải lại dùng rày che tim.
Hai tay trao bộ cho mềm.
Âm dương một bộ đứng êm môt chiều.
Một mình ngồi phục cho kiêu.
Tay rồng móc mắt tiếp theo chớ chầy.
Một chân trái cùng hai tay.
Ví như sư tử rơi rày động trung.
Xoay mình thối toạ mới xong.
Dùng bàn tay phải che tâm mới mầu.
Long quyền móc mắt cho mau.
Đôi tay chân phải kíp mau tấn vào.
Tàn hoa nép bộ mới mầu.
Tướng quân rút kiếm bái thâu ngựa về.
Người dịch: Lão võ sư Phạm Đình Trọng – Lâm Đồng
Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc lần thứ III – 1995